Tăng cường kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Là nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo Kết nối doanh nghiệp công nghiệp ô tô – điện tử – cơ khí 2020 do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 25-11.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết 115 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yêu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% hu cầu nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Tăng đối thoại 1:1 để có đơn hàng

Do đó, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) thuộc Cục Công nghiệp đã triển khai “Chương trình hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất cơ khí, ô tô, điện tử. Nội dung chương trình gồm 2 sự kiện diễn ra song song, gồm hội thảo và phiên làm việc 1:1 giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu chuỗi với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Trực tiếp tham gia hoạt động kết nối, ông Mai Anh Hiền, Phó trưởng ban mua hàng của Toyota Việt Nam, cho hay mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để tăng số lượng hơn 40 đơn vị cung ứng nội địa với 700 chi tiết linh kiện, song đó là quá trình gian nan được ví “tìm nhà cung cấp khó như đi tìm kim cương”.

“Để đồng hành với doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp, Toyota không chỉ mua hàng mà trực tiếp làm cùng nhà cung cấp, tự phát triển năng lực nhân viên, hướng dẫn nhà cung cấp tiến tới  sản xuất tinh gọn. Các hoạt động để làm sao tạo môi trường làm việc an toàn, sắp xếp và loại bỏ các khâu không cần thiết, tập trung tiêu chuẩn hóa công đoạn và tiến tới tăng hiệu suất” – ông Hiền cho hay.

Nguyễn Huy Trung – Giám đốc Đối ngoại của Honda Việt Nam, cho biết đang duy trì trên 100 nhà cung ứng cấp 1 cho các sản phẩm linh phụ kiện, phụ tùng xe máy. Qua khảo sát, có trên 70% nhà cung ứng hiện nay có thể chuyển đổi trở thành nhà cung ứng phụ tùng cho ô tô. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải có lộ trình, chính sách hỗ trợ. Cũng bởi, số lượng linh kiện ô tô nhiều hơn xe máy, độ phức tạp và đòi hỏi công nghệ cao hơn, nên sẽ cần phải đảm bảo chất lượng, tính thẩm mỹ và ổn định cao trong sản xuất.
Tăng kết nối doanh nghiệp ôtô, điện tử, cơ khí vào chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Cần nhiều hỗ trợ nâng cao năng lực nhà cung ứng nội

Thực tế tại Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội cũng đã chứng minh khi chuyển từ cung ứng linh kiện xe máy sang các hãng xe ô tô như Toyota, Honda. Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay đó là quá trình gian nan mà nếu không có sự quyết tâm, ý chí của lãnh đạo, khó có thể thành hiện thực. Trong đó, vấn đề lớn đầu tiên mà Nhựa Hà Nội phải đối mặt đó là đầu tư lượng lớn máy móc, trang thiết bị trong khi dung lượng, nhu cầu thị trường mới chỉ có quy mô nhỏ.

“Chúng tôi tính toán gói linh kiện cho chiếc SUV để đầu tư bài bản thì tổng giá trị sản xuất, nghiên cứu khuôn mẫu phải lên tới 15 triệu USD, chi phí rất lớn trong khi sản lượng nhỏ nên giá thành sản xuất sẽ rất đắt, kém cạnh tranh với hàng nhập. Ô tô có nhiều chi tiết, linh kiện với 30.000 chiếc nên đòi hỏi máy móc có độ chính xác cao, thiết bị kiểm tra chất lượng, đo kiểm rất đắt tiền nên khối lượng đầu tư lớn. Thêm nữa là nguồn lực cán bộ có trình độ quản lý và kỹ năng tay nghề cao đáp ứng tiêu chuẩn hạn chế” – ông Hải cho hay.

Tương tự, ông Chu Trọng Thành – Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Công ty Cao su Giải phóng cho hay đã khởi đầu đầu tư 500.000 USD và cung ứng được 3 triệu linh kiện mỗi năm. Tuy nhiên, với định hướng tham gia vào chuỗi giá trị của các FDI, đến nay sau 16 năm công ty đã trở thành nhà cung cấp cho các khách hàng FDI với sản lượng 100 triệu linh kiện. Cùng với sự nỗ lực không ngừng, liên tục cải tiến chất lượng, năng suất và kỹ thuật, thì khó khăn lớn mà doanh nghiệp phải đối diện là nhu cầu kết nối, thông tin giữa người mua, người bán.

“Để tham gia được chuỗi cung ứng thì việc đầu tư hoạt động marketing, quảng cáo, mở rộng thị trường là yêu cầu đặt ra. Chúng tôi gặp khó khi tìm kiếm thông tin các doanh nghiệp FDI hoặc các nhà mua hàng có nhu cầu mua linh kiện. Chẳng hạn chúng tôi cần thông tin về các doanh nghiệp, hiệp hội tại Nhật Bản có nhu cầu cần mua linh kiện cao su, nhu cầu phát triển hệ thống nhà cung cấp, nhưng chúng ta lại đang thiếu thông tin này. Chưa kể nguyên phụ liệu đang phải nhập khẩu nên ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm” – ông Thành nói.